Âm Nhạc

NSND Viễn Châu và cuộc du ngoạn với ‘tân cổ giao duyên’

Chia sẻ

Soạn giả cải lương lừng danh của làng sân khấu, nghệ thuật Viễn Châu vừa qua đời để lại một gia tài khổng lồ về văn hóa dân tộc Việt Nam, đặc biệt là nghệ thuật cải lương, ca cổ truyền thống.

Nhạc sĩ Trương Minh Châu - Con trai soạn giả, NSND Viễn Châu, cho biết cha mình qua đời tại nhà riêng sau thời gian điều dưỡng tại nhà. Tang lễ của ông sẽ được tổ chức tại Nhà Tang lễ TP HCM. NSND Lệ Thủy, NSND Kim Cương và Ban ái hữu Hội Sân khấu TP HCM cùng gia đình chuẩn bị hậu sự cho ông.

NSND Viễn Châu (tên cúng cơm là Huỳnh Trí Bá), sinh năm 1924 tại Trà Cú, Trà Vinh trong một gia đình danh gia vọng tộc. Tuổi thơ của ông lớn lên trong tiếng đờn ca tài tử cùng âm thanh của các nhạc cụ dân tộc. Ông đến với âm nhạc cổ truyền khi tự mày mò những ngón đờn học lỏm qua đĩa hát nhựa cũng như các nhóm đờn ca tài tử ở làng quê. Đến năm 19 tuổi, ông đàn thạo các loại đàn tranh, vĩ cầm, guitar và được nhiều người khen ngợi.

NSND Viễn Châu (tên cúng cơm là Huỳnh Trí Bá), sinh năm 1924 tại Trà Cú, Trà Vinh trong một gia đình danh gia vọng tộc. Ông được mệnh danh là "vua vọng cổ".

NSND Viễn Châu (tên cúng cơm là Huỳnh Trí Bá), sinh năm 1924 tại Trà Cú, Trà Vinh trong một gia đình danh gia vọng tộc. Ông được mệnh danh là “vua vọng cổ”.

Dấu ấn đầu tiên trong sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của ông là truyện ngắn đầu tay Chàng trẻ tuổi. Lúc này, soạn giả Viễn Châu đang công tác tại Ban cổ nhạc Ðài Phát thanh Pháp Á Sài Gòn. Một năm sau đó, ông theo đoàn Tố Như đi diễn và có cơ hội tiếp xúc với với các nghệ sĩ trứ danh bấy giờ như nghệ sĩ Năm Châu, Trần Hữu Tang, Duy Lân… và học hỏi được nhiều kỹ năng tư duy về sáng tác.

Kịch bản đầu tay của ông là tác phẩm Nát cánh hoa rừng với bút danh Viễn Châu. Vở này được ông phóng tác từ truyện đường rừng của nhà văn Khái Hưng. Đây là vở cải lương đầu tiên của ông được đoàn Việt kịch Năm Châu trình diễn trên sân khấu Đại Ban tại Sài Gòn cũng trong năm 1950, được rất nhiều khán giả ủng hộ. Sau đó có hơn 70 kịch bản nổi tiếng của ông được lưu hành từ sàn diễn cho đến thị trường băng dĩa, trong đó có các tác phẩm để đời như Chuyện tình Lan và Điệp, Một ngày làm vua, Chuyện tình Hàn Mặc Tử, Vụ án Huỳnh Thổ Cang, Huyện chuột nuôi đề, Chung Vô Diệm, Hoa Mộc Lan…

Tuyển tập những bài tân cổ của soạn giả Viễn Châu

Gia tài ông để lại cho đời là hơn 2.000 bài vọng cổ như Sầu vương ý nhạcLá trầu xanh, Lòng dạ đàn bà, Hàn Mặc Tử, Tâm sự Mai Đình…

Sinh thời, soạn giả Viễn Châu từng nói, sở dĩ ông viết được nhiều nhạc phẩm tân cổ là vì ông “đi nhiều, học nhiều, quan sát nhiều và thấy nhiều” nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, còn để viết được những tác phẩm xuất sắc, đi cùng năm tháng thì phải “qua tâm cảm yêu thương, rung động với cuộc đời bằng tâm hồn nhạy cảm, dễ cảm thông, chia sẻ, hân hoan trước cái đẹp và tình cảm của con người”. “Khi tôi viết, không phải mực trào ra đầu ngòi bút mà đó là tim óc, trí não của tôi đang đặt hết vào đầu bút để tuôn thành lời”, soạn giả từng bộc bạch.

Vở cải lương Chuyện tình Lan và Điệp - Một trong những vở cải lương nổi tiếng nhất của NSND Viễn Châu.

Không chỉ được mệnh danh là “vua Vọng cổ”, NSND Viễn Châu còn là người tạo danh cho các nghệ sĩ, bởi qua các sáng tác của ông, nhiều nghệ sĩ thể hiện đã có những vị trí nhất định trong làng âm nhạc dân tộc đương đại, điển hình là NSND Ngọc Giàu với bài Hòn vọng phu, Út Trà Ôn với Tình anh bán chiếu… Ông cũng sáng tác ra nhiều bài vọng cổ hài hước mà sau này được nhiều gương mặt nổi danh như nghệ sĩ Văn Hường, Hề Sa… thể hiện. NSND Ngọc Giàu từng thú nhận: “Không có Viễn Châu thì sẽ không có Ngọc Giàu cũng như hầu hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim”.

https://www.youtube.com/watch?v=tlniNNfw_D0

Tình anh bán chiếu - Tác phẩm để đời của Viễn Châu, được thể hiện bởi giọng tân cổ của Út Trà Ôn.

Năm 1994, NSND Viễn Châu viết bản Anh không chết đâu em có lời như sau:

“Sau khi tôi nhắm mắt xuôi tay trở về cát bụi, thì trong những hàng tri âm tri kỷ có ai sẽ tiễn đưa tôi ra nơi nghĩa địa… Rồi một chiều nào khi tắt nắng hoàng hôn có người con gái tìm đường vào nghĩa địa, tay ôm chặt một vòng hoa trắng tìm đến bên mồ nức nở khóc than, nàng ca lên những bài ca áo não thê lương khóc người nghệ sĩ trót mang nhiều cam lụy, ôm ngôi mộ nàng gục đầu nức nở: Anh Bảy ơi anh chết tự bao giờ… Nằm dưới mồ nghe những tiếng khóc than, tôi tỉnh giấc và giật mình sống lại, tung mồ dậy ôm chặt người con gái và bảo nhỏ rằng: Anh không chết đâu em!”.

Dẫu rằng, NSND Viễn Châu đã trở về với cát bụi, nhưng hình ảnh gần gũi và di sản âm nhạc cổ truyền đồ sộ của ông thì vẫn đồng hành cùng nền âm nhạc Việt Nam. Chúng ta có thể tin tưởng rằng, với tài năng và tâm huyết của những nghệ sĩ, những người đã được Viễn Châu truyền đam mê cải lương, tân cổ sẽ viết tiếp và làm phong phú hơn những sáng tác của NSND.

Chia sẻ
Tin mới nhất