Âm Nhạc

Đạo nhạc - Vấn nạn của âm nhạc đại chúng năm 2015

Chia sẻ

Gần như không một ngôi sao ca nhạc nào trong năm 2015 không dính nghi án thậm chí ra tòa liên quan tới đạo nhạc. Sáng tác âm nhạc thay đổi hay đạo đức nghệ sĩ ngày nay có vấn đề?

Ngày 8/12 vừa qua, các nghệ sĩ thực hiện ca khúc Blurred Lines (Pharell Williams, Robin Thicke và T.I) tiếp tục đưa ra lời phản đối quyết định của tòa án về vụ việc đạo ca khúc Got to Give It Up của ngôi sao quá cố Marvin Gaye. Nhóm nghệ sĩ này tự cho rằng họ không “ăn cắp” ca khúc của Gaye và mức án bồi thường hơn 7 triệu USD cũng như tội danh “đạo nhạc” là không đáng.

Pharell Williams, Robin Thicke (trong ảnh) và rapper T.I bị tố đạo nhạc trong ca khúc Blurred Lines.

Pharell Williams, Robin Thicke (trong ảnh) và rapper T.I bị tố đạo nhạc trong ca khúc Blurred Lines.

Đây không phải là trường hợp duy nhất nghệ sĩ pop bị tố đạo nhạc. Nam ca sĩ The Weeknd cũng vừa nhận tráp từ tòa án về việc đạo nhạc. Ca khúc hit The Hills của anh được cho đã sử dụng mẫu âm từ nhạc của The Machine.

Tuy nhiên, câu chuyện ầm ĩ nhất hiện nay là những bản nhạc bị tố là “ăn cắp” của họa mi nước Anh - Adele. Các ca khúc như Hello, Million Years Ago… nổi tiếng toàn cầu lần lượt được đưa ra mổ xẻ. Danh ca Lionel Richie cho rằng Adele đã vay mượn ca khúc Hello của anh trong hit cùng tên. Bên cạnh đó, khán giả cho rằng họa mi nước Anh đạo lời ca khúc Martha của huyền thoại âm nhạc Mỹ, Tom Waits.

Những lời tố cáo này chưa kịp nguội thì Adele lại vướng nghi án đạo nhạc khác. Lần này là ca khúc Million Years Ago của cô giống ca khúc Acilara Tutunmak (Clinging To Pain) của Ahmet Kaya từ 1985. Nếu theo những căn cứ mà người hâm mộ đưa ra để cho rằng Adele đạo nhạc, cô đã “ăn cắp không ít những ca khúc nổi tiếng trước đây.

Họa mi nước Anh - Adele liên tục bị tố đạo nhạc.

Họa mi nước Anh - Adele liên tục bị tố đạo nhạc.

Million Years Ago là một bài hát pop đơn giản theo vòng hoà âm quãng 5 khá cơ bản. Có người cho rằng đó là một ca khúc nhạc xưa tả thực tài tình của Adele - 1 trong những ca khúc hay nhất của album 25. Nếu nữ đạo nhạc trongMillion Years Ago, người ta có thể chỉ ra những bản nhạc cô có thể đạo nhưYesterday When I Was Young của Dusty Springfield. Mà đúng ra, Dusty còn “đạo” lại bài hát Hier Encore của nam danh ca người Pháp Charles Aznavour.

Việc một bản hit mới ra lò khiến người ta nghĩ ngay tới một giai điệu “quen quen” nào đó giờ đây là quá bình thường. Cái vòng luẩn quẩn và những sự vụ điển hình ở trên đặt ra câu hỏi: có phải nghệ sĩ, đặc biệt là những người sáng tác, ngày nay thực sự có vấn đề về đạo đức? Họ không còn sáng tạo mà chỉ bận tìm cái cũ nào hay hay để “mông má” thành đồ mới và cho ra lò hay sao? 

Đạo nhạc và đạo đức

Cây viết Brian Koerber của tờ Mashable đặt ra câu hỏi “tại sao không?” về câu chuyện đạo nhái trong làng nhạc. Tại sao lại không tạo nên những tác phẩm nghệ thuât từ việc tái tạo và làm mới những cái cũ. Rõ ràng việc này đã và đang tồn tại xung quanh những người làm nghề sáng tạo. Vì thế, bên cạnh những ca khúc mới ra đời, nhiều phong cách/ thể loại cũng vì thế xuất hiện, phát triển. Thường những người tiên phong sẽ được ca tụng hết lời. Những người đi sau thường khó có cơ hội để chứng tỏ được sự đổi mới và dễ bị quy chụp đạo nhạc.

Tuy nhiên, tác giả này cũng đặt ra vấn đề đạo nhạc và đạo đức, giữa đạo nhạc và… ví tiền của nghệ sĩ. Nhạc pop phát triển kèm theo sự thịnh hành của nhạc số, việc sáng tác nhạc đôi khi trở nên dễ dàng hơn với những kho sample (mẫu âm) được chia sẻ miễn phí hoặc mua lại như ngày nay, ranh giới của việc phát triển một chất liệu có sẵn thành tác phẩm mới và “đạo” quả là rất mong manh.

Có thể những quan điểm kế thừa, phát triển đang dần mất đi và biến thể khi lợi nhuận, tiền bạc đang được đặt lên hàng đầu. Đạo đức và ví tiền có vẻ là hai phạm trù không thể đồng hành, âm nhạc cũng tô màu khác nhau giữa văn hóa và con người.

Nhóm nhạc Coldplay.

Nhóm nhạc Coldplay.

Có những bản nhạc “đạo nhái” khiến cho công chúng yêu thích, giới phê bình cảm thấy khâm phục. Ca khúc hit Some Nights (2012) của nhóm nhạc từng đề cử và thắng giải Grammy danh giá, Fun. là một ví dụ điển hình. Khán giả có thể nhìn thấy bóng dáng của ca khúc Cecilia của Simon & Garfunkel (1970) trong ca khúc.

Bên cạnh đó, nhóm nhạc đến từ Anh quốc - Coldplay cũng có những sáng tác thú vị, chịu ảnh hưởng của những nghệ sĩ đi trước. Ca khúc Viva La Vida từng bị tố đạo nhạc nhưng đó là bản nhạc khá hoàn hảo từ chất liệu gốc là bản If I Could Fly của nghệ sĩ guitar Joe Satriani.

Đến lượt Coldplay là những người tạo cảm hứng cho nghệ sĩ. Dj nổi tiếng người Pháp David Guetta từng “nhào nặn” nên hit When Love Takes over từ cảm hứng của bài hát Clocks. Hay công chúa nhạc đồng quê Taylor Swift cũng được giới trong nghề “bóc mẽ” bản hit Haunted từ hit The Scientist của Coldplay.

Bên cạnh việc các nghệ sĩ tự tố nhau, ngày nay, khán giả có thể dễ dàng đưa ra những lời nhận xét, thậm chí phán xét một nghệ sĩ hát pop đạo nhạc. Internet khiến cho những hình thức đạo, nhái ngày càng tinh vi hơn. Nhưng cũng chính mạng xã hội là “toà án” kinh khủng nhất, tố tụng mọi “vụ án” âm nhạc trước khi nó có thể tới một toà án chính thức nào đó. 

Chia sẻ

Tin liên quan

Loading...Loading...Loading...
Tin mới nhất